THIỆP GIẢM GIÁ
THIỆP MỜI
THIỆP CƯỚI
Là một trong những tộc người sinh sống và cư trú lâu đời trên dãy Trường Sơn – Tây nguyên, người Giẻ - triêng đã sáng tạo nên một nền văn hóa vô cùng độc đáo với những phong tục tập quán, lễ hội mang đậm dấu ấn của nền văn hóa nương rẫy. Một trong những phong tục đó là tục cưới xin của người Giẻ - triêng với củi là vật định hôn.

Cũng giống như các dân tộc khác trên dãy Trường Sơn – Tây Nguyên, phong tục cưới xin của người Giẻ - triêng cũng có nhiều công đoạn, từ việc tìm hiểu đến hôn lễ. Khi trai gái Giẻ - triêng ưng nhau qua những điệu hát đối đáp thì nhà trai, nhà giá mới bắt đầu gặp mắt để lo cưới hỏi cho đôi lứa. Nhưng trước khi tổ chức nghi lễ cưới chính thì có các nghi lễ phụ khác như: lễ đính hôn, lễ hợp cẩn, lễ trình làng, lễ ra mắt họ hàng, lễ giã từ nhà Rông. Nghi lễ cưới chính của đôi trai gái Giẻ - triêng thường được diễn ra vào tháng 10 và tháng 11 hàng năm, khi mùa màng đã thu hoạch, của cải vật chất đầy đủ, người dân bản nhàn rỗi và thời tiết cũng thuận lợi.

alt
Nguồn ảnh : tintuc.xalo.vn

Theo phong tục xưa truyền lại thì, lễ cưới chính của người Giẻ - triêng thường được diễn ra trong 3 ngày với các nghi lễ như: lễ chuyển củi, lễ xếp củi và cuối cùng là tiệc đãi dân bản. Tại sao lại gọi là lễ chuyển củi, xếp củi, bởi theo các già làng kể lại thì từ xưa củi đã là vật hứa hôn của các cô gái  Giẻ - triêng với chàng trai mà họ yêu. Các thiếu nữ Giẻ - triêng khi đến tuổi cập kê thường lên rừng đốn củi mang về nhà xếp thành bó dể sau này cõng về nhà chàng trai mà mình sẽ lấy làm chồng.

Củi hứa hôn có một vị trí quan trong trong hôn lễ của người Giẻ - triêng. Củi xấu hay đẹp, cong hay thẳng, nhiều hay ít thể hiện sự khéo léo, trưởng thành và khả năng làm chủ gia đình của người phụ nữ Giẻ - triêng. Ngày đầu tiên của hôn lễ chính là ngày chuyển củi mà người kinh thường gọi là ngày ăn hỏi. Trong ngày này, cô gái sẽ xin ý kiến của già làng, gia đình sau đó chuyển đống củi sang nhà trai. Đó gọi là củi bắt chồng, hay củi cho chồng.

alt
Nguồn ảnh : langvietonline.vn

Người cõng củi trong ngày này ngoài cô dâu còn có các phụ nữ có chồng trong làng giúp cô. Việc chuyển củi sang nhà trai, dù ít hay nhiều cũng phải chuyển xong trong một ngày. Nếu nhà cô trai và nhà gái quá xa mà củi hứa hôn lại nhiều thì cần thêm nhiều người giúp. Chính vì lý do đó, nhiều cuộc chuyển củi cưới có đoàn người cõng củi khá đông, có khi đến trên 20 người. Khi lượng củi chuyển qua nhà trai được khoảng hai phần ba, một số đàn ông nhà gái tới chặt cây, đào lỗ chôn cột, chuẩn bị cho việc xếp củi vào ngày hôm sau.

Ngày xếp củi được coi là ngày cưới nên cũng có nghi lễ trong khi xếp củi. Sau khi củi cưới đã được ngả ra, sẵn sàng cho việc xếp củi, cô dâu phải lấy những thanh củi đầu tiên, tự tay đưa cho chồng, rồi người chồng mới chuyển chúng cho bố mẹ của mình để họ tự tay xếp lượt củi cưới đầu tiên lên dàn khuôn đã chuẩn bị sẵn (dàn đáy). Sau nghi lễ đó những người thân mới tiếp tục xếp củi cưới thành khối vuông vức.

alt
Nguồn ảnh: langbian.net

Theo phong tục của người Giẻ – Triêng, sau khi nhà trai nhận củi, đôi trai gái đó coi như đã thành vợ, thành chồng, họ không được quan hệ tình cảm (yêu) với người khác. Trong ngày xếp củi, nhà trai làm cơm đãi những người xếp củi và nhà gái. Hoàn tất việc xếp củi, phần nghi lễ trong quy trình hôn lễ coi như đã hoàn tất, phần còn lại chỉ là việc tổ chức tiệc cưới chiêu đãi làng và người thân.

Một việc rất quan trọng là cuối ngày xếp củi, hai bên gia đình phải (phong tục, bắt buộc) trồng cây nêu để thông báo với mọi người trong làng, khách ở gần xa biết việc tổ chức đãi tiệc và biểu diễn nghệ thuật dân gian trong dịp cưới. Việc làm cây nêu được Già làng hoặc những người thông thạo phong tục hướng dẫn, giúp đỡ.

alt
Nguồn ảnh: giadinhtoi.vn

Không khí trong làng vào dịp này rất nhộn nhịp, người lớn thì bàn bạc cách thức tiến hành hôn lễ, chuẩn bị lương thực, thực phẩm để làm tiệc đãi khách. Các nghệ nhân tập lại các tiết mục nghệ thuật dân gian, trai gái thì chuẩn bị trang phục, cồng chiêng, nhạc cụ… và lo các việc khác phục vụ ngày cưới. Trẻ em thì phấn khởi vì được mặc áo đẹp, được xem văn nghệ… và quan trọng hơn là được ăn ngon.

Vật chất đãi tiệc trong hôn lễ, quan trọng nhất là rượu cần. Vì vậy, tối thiểu nhà trai cũng như nhà gái phải chuẩn bị từ 20 đến 30 ghè (ché). Số rượu này một phần do gia đình chuẩn bị trước, một phần do người trong dòng tộc, người thân cho. Đối với thực phẩm, bò và heo được mổ thịt ngay trong đêm, một số thịt được nướng sơ rồi sau đó mới mang đi để chế biến thành các món ăn. Số thịt heo, thịt bò còn lại được xẻ thành từng miếng gần bằng nhau, xâu bằng lạt tre để làm quà chia đều cho bà con, họ hàng và cả khách thập phương đến làng vào dịp đám cưới.

Ngày nay, do kinh tế phát triển, tiệc tùng không quá linh đình nên chuyện nợ tiệc cưới gần như không còn nữa vì vậy ngay sau ngày xếp củi thì cả hai bên đều đã chuẩn bị chu đáo và cùng đãi tiệc mọi người. Đặc biệt, khách lạ khi đến làng người Giẻ – Triêng thấy có cây nêu, có đãi tiệc thì có thể vào bên trai hay gái đều được và luôn được đón tiếp chu đáo, không phải kiêng cữ hay phải có quà mừng gì. Không những thế, khi ra về lại còn được chia một phần quà như tất cả người thân trong làng, trong dòng họ. Đây là một phong tục tốt đẹp cần được giữ gìn và phát huy cho các thế hệ con cháu của người Giẻ - triêng.

Các tin khác


Dịch Vụ Cưới Tuyết Mai
Địa chỉ: Số 1216-1220 Trần Hưng Đạo, P.Mỹ Bình, TP.Long Xuyên, An Giang (ngang mũi tàu)
Điện thoại: 0812966663
Thiết kế bởi: